Long An cần phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh
|
Toàn cảnh Hội nghị |
TCCSĐT
- Ngày 16-4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã tham dự Hội nghị
công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Long An đến
năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và xúc tiến đầu tư năm 2013. Dự Hội nghị
có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và một số tỉnh, thành phố giáp
ranh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; các doanh nghiệp đầu tư trên
địa bàn tỉnh, nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước.
Tại Hội nghị, đồng chí Đỗ Hữu Lâm, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh Long An cho biết: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế -
xã hội tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là một trong số
ít các quy hoạch cấp tỉnh có nhiều đột phá với những mục tiêu, chiến
lược mới và định hướng phát triển theo hướng cân bằng, bền vững. Mục
tiêu quy hoạch là xây dựng Long An trở thành một tỉnh công nghiệp, với
tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 12,5%/năm trong giai đoạn 2012 -
2030; GDP bình quân đầu người vào năm 2015 đạt 50 triệu đồng/người/năm,
tương đương khoảng 2.400 USD/người/năm, tức bằng 1/2 so với GDP bình
quân đầu người của Thành phố Hồ Chí Minh. Tầm nhìn đến năm 2030, Long An
sẽ nâng mức GDP bình quân đầu người lên 172 triệu đồng/người/năm
(khoảng 8.000 USD), tức xấp xỉ mục tiêu GDP của Thành phố Hồ Chí Minh
đến năm 2020. Thực hiện quy hoạch sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng
không chỉ riêng đối với Long An mà còn được kỳ vọng tạo ra một “cửa ngõ”
sôi động về mọi mặt, kết nối giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long với thị
trường tiêu thụ Thành phố Hồ Chí Minh.
Để đạt mục tiêu trở thành
một tỉnh công nghiệp, Long An dự kiến mức tăng trưởng GDP đạt 14,2%/năm
vào năm 2015, trong đó chú trọng phát triển các ngành công nghiệp theo
hướng đa dạng hóa sản phẩm, công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, xanh
và sạch; lĩnh vực dịch vụ sẽ phát triển theo hướng chất lượng cao. Ủy
ban nhân dân tỉnh Long An dự kiến nhu cầu vốn đầu tư trong các lĩnh vực
trên trong giai đoạn từ nay đến 2020 sẽ vào khoảng 400 nghìn tỷ đồng,
trong đó giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 120.000 tỷ đồng và giai đoạn 2016 -
2020 khoảng 280.000 tỷ đồng.
Trong mục tiêu quy hoạch đô thị,
Long An cũng mạnh dạn phác thảo một đề án phát triển hạ tầng giao thông
theo hướng hiện đại, tăng tính kết nối các trung tâm đô thị lớn, các
trung tâm tăng trưởng và các khu vực trong tỉnh với nhau. Cụ thể, Long
An dự kiến phát triển mạng lưới giao thông (đường bộ và đường thủy) gắn
kết với mạng lưới giao thông vùng tạo điều kiện cho tỉnh Long An trở
thành cửa ngõ thực sự kết nối giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng
kinh tế trọng điểm phía Nam. Trước mắt, tỉnh nghiên cứu lập quy hoạch
khai thác nguồn nước ngầm; quy hoạch khai thác nước kênh Hồng Ngự để
cung cấp nước tưới cho lưu vực nằm giữa sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây.
Về phát triển đô thị, dự kiến đô thị Long An sẽ được kết nối từ Tân An
đến Bến Lức thành một đô thị dọc hành lang; phát triển đô thị Đức Hòa
với vai trò là trung tâm dịch vụ của khu vực Đông Bắc; đô thị Cần Giuộc
dự kiến sẽ cung cấp dịch vụ cho các cảng (Hiệp Phước và Long An) cũng
như khu vực nội địa; hình thành đô thị Mộc Hóa với vai trò là trung tâm
phát triển của vùng Đồng Tháp Mười, phát triển kinh tế cửa khẩu với các
hoạt động thương mại qua biên giới.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội
nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: Để góp phần cùng cả nước thực
hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, xây dựng Long An ngày
càng phát triển bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020, là
điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Long An cần
chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành của Trung ương, các địa
phương liên quan, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư thực hiện tốt
một số nội dung trọng tâm:
Một là, chú trọng xây dựng kế
hoạch triển khai cụ thể bằng kế hoạch 5 năm, hàng năm để thực hiện tốt
nhất quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, bảo đảm
quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm chủ yếu cấp
tỉnh và quy hoạch kinh tế - xã hội cấp huyện tuân thủ đúng định hướng
quy hoạch tổng thể đã đề ra; định kỳ rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy
hoạch để phù hợp với thực tiễn triển khai; tập trung thu hút đầu tư vào
các dự án có hàm lượng giá trị cao, công nghệ hiện đại, vào những ngành,
lĩnh vực là lợi thế chính, động lực chủ yếu đối với phát triển kinh tế -
xã hội của tỉnh.
Hai là, cần có những giải pháp cụ thể
nhằm huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để cùng với các bộ,
ngành trung ương tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng
đồng bộ, hiện đại, trong đó ưu tiên các dự án, công trình có ý nghĩa
chiến lược, kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đồng bằng
sông Cửu Long.
Ba là, chú trọng phát triển đào tạo nguồn
nhân lực có trình độ quản lý và tay nghề cao; khuyến khích ứng dụng tiến
bộ khoa học công nghệ, đổi mới và chuyển giao công nghệ thân thiện với
môi trường. Đẩy mạnh cải cách hành chính, giải quyết kịp thời những khó
khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư; tạo môi trường đầu
tư thông thoáng và thuận lợi. Tăng cường hợp tác, liên kết vùng và cả
nước để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh cho phát triển
kinh tế xã hội.
Phó Thủ tướng yêu cầu, Đảng bộ, quân và dân tỉnh
Long An cần phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, đổi mới, năng động,
sáng tạo, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khắc phục
khó khăn, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ,
sớm đưa Long An trở thành một trong những tỉnh điển hình về phát triển
nhanh và bền vững, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết
Đại hội XI của Đảng./.
Tin, ảnh: Đức Thuận