Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế
Ngày 12/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 164/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/03/2008 quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.
Việc sửa đổi lần này vẫn thống nhất quan điểm tiếp tục mô hình quản lý Nhà nước (QLNN) đối với khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) và khu kinh tế (KKT) theo nguyên tắc “một cửa, tại chỗ” để phát huy vai trò, nhiệm vụ “một cửa, đầu mối” của Ban Quản lý KCN, KKT trong QLNN KCN, KKT trên địa bàn. Nghị định số 164/2013/NĐ-CP đã quy định rõ “Ban Quản lý là cơ quan đầu mối quản lý hoạt động đầu tư trong các KCN, KKT trên địa bàn. Các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương khi triển khai các nhiệm vụ chuyên môn tại các KCN, KKT có trách nhiệm phối hợp và lấy ý kiến tham gia của Ban Quản lý, đảm bảo cho hoạt động quản lý nhà nước KCN, KKT thống nhất,tránh chồng chéo và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động theo quy định của pháp luật.”
Về điều kiện mở rộng KCN, Nghị định phân biệt 2 trường hợp mở rộng KCN: trường hợp mở rộng KCN có cùng chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng sẽ được thực hiện theo điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định 29/2008/NĐ-CP; trường hợp không có cùng chủ đầu tư thì điều kiện mở rộng KCN sẽ được áp dụng tương tự như điều kiện đối với KCN thành lập mới.
Về trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư thì cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư là Ban Quản lý KCN, KKT phải lấy ý kiến thẩm tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng để tăng cường chức năng kiểm tra,giám sát của các Bộ, ngành đối với việc cấp phép đầu tư các dự án phát triển kết cấu hạ tầng KCN.
Về trình tự thành lập, mở rộng KKT: trong quá trình bổ sung quy hoạch KKT theo quy định của pháp luật về quản lý quy hoạch thì cần giải trình rõ việc đáp ứng các điều kiện thành lập và phát triển KKT. Quy định này đảm bảo chặt chẽ hơn trong việc ràng buộc các điều kiện phát triển KKT, không phát triển KKT không phù hợp với điều kiện và khả năng thực tế của địa phương, vùng.
Về cơ chế, chính sách đối với KCN, KCX, KKT, Nghị định bổ sung các quy định về quyền hạn, nghĩa vụ của doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN, doanh nghiệp KCN, KKT; phát triển nhà ở cho người lao động, xác định cụ thể tỷ lệ hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất tiêu thụ nội địa.
Để khắc phục vướng mắc sự không thống nhất giữa các địa phương trong thực hiện cơ chế ủy quyền cho Ban Quản lý KCN, KKT trong thời gian qua, đảm bảo nguyên tắc tăng cường phân cấp cho Ban Quản lý thực hiện nhiệm vụ theo cơ chế một cửa, một đầu mối,Nghị định sửa đổi lần này đã quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý theo hướng phân loại những chức năng, nhiệm vụ thực hiện trực tiếp theo hướng dẫn của bộ, ngành và trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật chuyên ngành;quy định rõ trách nhiệm các Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Lao động và Bộ Công Thương trong việc phải cò hướng dẫn việc ủy quyền cho Ban Quản lý thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng, môi trường, lao động và trong hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại. Cụ thể, ngoài trách nhiệm quản lý đầu tư KCN trong cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đã được phân quyền cụ thể tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, thì Ban quản lý còn có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ sau đây theo ủy quyền và hướng dẫn của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan nhà nước có thẩm quyền:
a) Cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung và gia hạn Giấy phép thành lập văn phòng đại diện thương mại của tổ chức và thương nhân nước ngoài đặt trụ sở tại KCN, KKT; Giấy phép kinh doanh đối với hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào KCN, KKT; Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với những mặt hàng hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện;
b) Cấp các loại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho hàng hóa sản xuất tại KCN, KKT;
c) Điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đã được phê duyệt của KCN, các khu chức năng trong KKT nhưng không làm thay đổi chức năng sử dụng khu đất và cơ cấu quy hoạch; thẩm định thiết kế cơ sở đối với các dự án nhóm B, C hoặc cấp, gia hạn Giấy phép xây dựng công trình đối với công trình xây dựng phải có Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
d) Cấp, cấp lại, thu hồi Giấy phép lao động cho lao động là công dân nước ngoài vào làm việc trong KCN, KKT; đăng ký nội quy lao động;tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể; tiếp nhận thang lương, bảng lương, định mức lao động; đăng ký kế hoạch đưa người lao động đi thực tập ở nước ngoài dưới 90 ngày cho doanh nghiệp trong KCN, KKT;
e) Cấp một số loại giấy phép, chứng chỉ, chứng nhận khác trong KCN, KKT;
g) Xác nhận hợp đồng, văn bản về bất động sản trong KCN, KKT cho tổ chức có liên quan; tiếp nhận đăng ký khung giá cho thuê đất, cho thuê lại đất và phí hạ tầng KCN, KKT của nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, KKT;
h) Tổ chức thực hiện thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong KCN, KKT; cấp giấy xác nhận cho các đối tượng thuộc diện đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường hoạt động trong KCN, KKT; thẩm định, phê duyệt và kiểm tra, xác nhận đề án bảo vệ môi trường chi tiết và đề án bảo vệ môi trường đơn giản cho các dự án trong KCN, KKT.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014./.
NQT (P.TN&MT)