Khu công nghiệp, hạt nhân phát triển kinh tế tỉnh Long An
Tính đến ngày 31/12/2014 đã có 500 dự án (trên tổng số 924 dự án đầu tư) trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An đi vào hoạt động với 304 dự án có vốn đầu tư trong nước (FDI) và 196 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tạo việc làm cho khoảng 76.200 lao động (chiếm 30%tổng số lao động có việc làm của toàn tỉnh) với mức lương trung bình 4.800.000 VNĐ/tháng. Theo kết quả hoạt động năm 2014, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã tạo ra giá trị hàng hoá hơn 47.000 tỷ đồng và đóng góp hơn 1.917 tỷ đồng (trong đó đóng góp từ khu vực FDI là 1.065 tỷ đồng chiếm hơn 50%) vào ngân sách tỉnh (chiếm36,8% tổng thu thuế của tỉnh, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2013).
Tổng diện tích các khu công nghiệp đang hoạt động chiếm tỷ trọng chưa đến 3% so với tổng diện tích đất tự nhiên của toàn tỉnh. Tuy nhiên,các doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp thu hút 30% tổng số lao động có việc làm của tỉnh và đóng góp 36,8% tổng thu thuế của tỉnh. Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An đã góp phần chuyển đổi các vùng đất hoang hoá, vùng nông nghiệp năng suất thấp ở các huyện Đức Hoà, Bến Lức, Cần Giuộc thành các khu công nghiệp có hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo việc làm, thu hút lượng lớn lực lượng lao động, đẩy nhanh quá trình đô thị hoá vùng nông thôn hẻo lánh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh. Các khu công nghiệp đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư theo khu vực, tập trung giúp cho việc quản lý các hoạt động của doanh nghiệp được dễ dàng giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường.
Năm 2014, kết quả thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An đạt cao nhất trong 17 năm qua (từ khi thành lập đến nay (năm 1997)) trong đó thu hút FDI năm 2014 tăng cao cả về số lượng và vốn đầu tư dự án. Kết quả trên là một tín hiệu tốt cho sự phục hồi của nền kinh tế kể từ khi diễn ra cuộc khủng hoảng vào năm 2008.
Về khía cạnh quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, tỉnh Long An khẳng định rõ vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, tập trung doanh nghiệp sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước được dễ dàng và thuận lợi hơn. Hiện nay, đa số các doanh nghiệp sản xuất có quy mô vừa và lớn đều rất quan tâm đến môi trường đầu tư vào các khu công nghiệp. Nguyên nhân chính do đầu tư vào đây doanh nghiệp luôn được sản xuất ổn định, việc giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa, tại chỗ” thông qua một đầu mối là Ban Quản lý khu kinh tế. Khi đầu tư vào các khu công nghiệp doanh nghiệp được đáp ứng “mọi sẵn sàng” như hạ tầng, điện,nước, các dịch vụ khác. Đặc biệt, bộ phận chăm sóc khách hàng của KCN hỗ trợ cho các nhà đầu tư các thủ tục pháp lý, do đó việc xây dựng nhà máy được nhanh chóng và đưa nhà máy đi vào hoạt động sẽ nhanh hơn.
Trong năm 2015, tỉnh Long An hướng đến việc thu hút các dự án có chất lượng cao cả về vốn và công nghệ, tập trung vào các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ; trước mắt tỉnh sẽ hướng đến rà soát lại quy hoạch các khu công nghiệp được cụ thể, rõ ràng tạo cơ sở cho công tác định hướng thu hút đầu tư.
Long An hiện có 196 doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động trong các khu công nghiệp, trong đó cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản chiếm số lượng tương đối lớn. Nhằm giúp doanh nghiệp có thể dễ dàng liên lạc với các cơ quan chức năng, tỉnh Long An sẽ tăng cường các kênh liên kết đối thoại với doanh nghiệp thông qua các tổ chức trong và ngoài nước, ngay cả với địa phương của doanh nghiệp đến đầu tư để làm tốt hơn nữa công tác lắng nghe, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp an tâm hoạt động./.
Nguyễn Anh Vũ (PĐT)